Tân Bí thư Thành ủy Hải Phòng: Mỗi người con của Hải Phòng đang sinh sống và làm việc xa quê hãy là một sứ giả lan tỏa những hình ảnh đổi mới của quê hương

0
482

Sáng 13/4/2023, tại thành phố Hải Phòng, Đoàn đại biểu Ban Liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội do Trung tướng Trần Bá Thiều – Trưởng Ban Liên lạc, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an – dẫn đầu đã có cuộc gặp chúc mừng và báo cáo với Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu.

Đồng chí Lê Tiến Châu – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thành phố Hải Phòng tiếp Đoàn Ban Liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội ngày 13/4/2023

Thay mặt cho trên 7 vạn bà con người Hải Phòng đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, các thành viên của Đoàn đã chuyển đến đồng chí Bí thư Thành ủy nhiều ý kiến đóng góp đổi mới xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thành phố Cảng trong tương lai.

Về phát triển kinh tế: Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Văn Dũng cho rằng, trước sự kết nối nhanh chóng của hệ thống giao thông đường bộ, đường biển trong khu vực, Hải Phòng cần quan tâm hơn nữa cho những cơ chế, chính sách cởi mở, xây dựng cơ sở hạ tầng cảng hiện đại; đặc biệt thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để Hải Phòng thực sự trở thành một trung tâm xuất nhập khẩu lớn cho thị trường Trung quốc.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà Hoàng Mạnh Tân và Giám đốc Công ty TNHH thiết bị trường học Phục Hưng Nguyễn Trọng Nghĩa đồng ý kiến: Thông qua Ban liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ do bà con người Hải Phòng lãnh đạo, làm chủ sở hữu tại một số địa phương trong nước, thậm chí là từ nước ngoài có nhu cầu đầu tư về quê hương, nhưng vẫn còn tình trạng “trên thuận” dưới “chưa thông”. Thời gian để hoàn thiện một bộ hồ sơ đầu tư tại Hải Phòng còn quá lâu khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp theo mời gọi của lãnh đạo thành phố “đến rồi lại đi”. Thành phố cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nhân người Hải Phòng đầu tư về quê hương.

Về phát triển văn hóa, du lịch, một trong 3 trụ cột kinh tế của Hải Phòng trong giai đoạn trước mắt, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Hải Phòng cần quan tâm, làm nhanh các hội thảo khoa học về Kinh đô nhà Mạc tại Kiến Thụy để phát huy một tài nguyên văn hóa quý báu của thành phố; Nhìn nhận và làm rõ vai trò của nhà Mạc trong lịch sử, đặc biệt công cuộc canh tân đất nước thế kỷ XVI…

TS.Phạm Từ – nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam tham gia ý kiến: Để danh nhân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (quê Vĩnh Bảo), người có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam thế kỷ XVI được tổ chức UNESCO tôn vinh trong dịp kỷ niệm nhân 450 ngày mất của ông thì Hải Phòng cần thành lập ngay một Ban vận động do một Phó Chủ tịch làm Trưởng ban; Sự nghiệp thơ văn của Trạng Trình cần phải được dịch sang 2 ngôn ngữ Anh và Pháp phát hành rộng rãi trên thế giới…

Thay mặt Đảng bộ và chính quyền nhân dân Hải Phòng, Bí thư Lê Tiến Châu đánh giá cao những ý tưởng của các trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ người Hải Phòng (đặc biệt là Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội) đóng góp cho thành phố trong việc xây dựng Nghị quyết, ban hành các chính sách đổi mới xây dựng một thành phố cửa biển kiểu mẫu sánh vai với các thành phố đang phát triển trong khu vực. Bí thư mong muốn, mỗi công dân Hải Phòng đang sinh sống tại nhiều vùng, miền trong cả nước, tại nước ngoài hãy là một sứ giả quảng bá hình ảnh đổi mới của quê hương.

Theo Hải Đăng – Báo Xây dựng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here