Nhiều hoạt động thiết thực của Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội dành cho huyện đảo Bạch Long Vĩ

0
182

 11:26 | 13/04/2024

(Xây dựng) – Với hành trình ý nghĩa vì biển đảo quê hương, Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội đã có chuyến thăm và làm việc với Huyện ủy Bạch Long Vĩ trong 2 ngày 12 và 13/4. Cuộc hành trình đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, đặc biệt là những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, giáo sư, các nhà khoa học với mong muốn xây dựng hòn đảo tiền tiêu của cực Bắc Tổ quốc ngày càng phát triển giàu đẹp, gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo của quê hương.

Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội tặng sách và nhiều phần quà giá trị cho huyện ủy và bà con nhân dân đảo Bạch Long Vĩ.

Tham dự chuyến thăm và làm việc có Trung tướng Trần Bá Thiều, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Công an, Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội; Trung tướng Hoàng Đức Chính, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Ông Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng Biên tập Báo Xây dựng và các doanh nhân, hội văn nghệ sỹ thuộc Hội đồng hương Hải phòng tại Hà Nội.

Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này còn có sự đồng hành của doanh nhân Lê Thị Thúy Ngà, Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường.

Nỗ lực xây dựng đảo Bạch Long Vĩ lớn mạnh

Phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội, chiều 12/4, ông Bùi Trung Tiến, Bí thư Huyện Uỷ Bạch Long Vĩ cho biết: Bạch Long Vĩ là hòn đảo nằm xa bờ nhất của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ, cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc 15 hải lý, cách Hòn Dáu (Đồ Sơn – Hải Phòng) 110 km. Vùng biển Bạch Long Vĩ là một trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, có diện tích 1.500 hải lý vuông (khoảng gần 2.800km²), độ sâu trung bình 35 – 55 m (nơi sâu nhất 60 – 70 m) nền đáy tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho việc đánh bắt hải sản.

Với 25 cán bộ và 62 đội viên Thanh niên xung phong, hơn 30 năm trước những người con yêu tổ quốc của Hải Phòng đã xung phong ra xây dựng huyện đảo Bạch Long Vĩ. Qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống chính trị của huyện được thành lập khá đầy đủ; Đảng bộ huyện có 16 tổ chức cơ sở Đảng với gần 300 đảng viên; Huyện ủy có 05 cơ quan (Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và Văn phòng Huyện ủy), Ủy ban nhân dân huyện có phòng chuyên môn (Phòng Văn hóa và Thông tin, Tư pháp, Kinh tế, Hạ tầng, Tài chính – Kế hoạch và Văn phòng HĐND – UBND huyện), Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan nội chính, tư pháp. Huyện không có cấp xã, có 03 Khu dân cư và khu Thanh niên xung phong. Dân số huyện đảo có khoảng 326 hộ dân với 1.152 nhân khẩu, chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ông Bùi Trung Tiến, Bí thư Huyện uỷ Bạch Long Vĩ cho biết, nhiều khó khăn của huyện đảo từ ngày thành lập đến nay đã cơ bản được tháo gỡ.

Cũng theo ông Bùi Trung Tiến, trong những ngày biển động, tàu thuyền vào âu cảng tránh trú nhiều, số dân trên đảo tăng cơ học lên đến 2000 – 3000 người.

“Từ khi được thành lập, Huyện đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của Trung ương, của thành phố và các địa phương trong cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Đến thời điểm này, Nhân dân trên đảo đã tự cung tự cấp được thực phẩm; điện, nước ngọt cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân; vấn đề vệ sinh môi trường bảo vệ nguồn tài nguyên biển được quan tâm chỉ đạo sát sao đảm bảo giữ môi trường xanh, sạch đẹp, hạn chế rác thải”, ông Bùi Trung Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Bạch Long Vĩ, khi huyện đảo mới thành lập, gần như chưa có hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, chủ yếu là các công trình quân sự thì đến thời điểm này, huyện đã đầu tư xây dựng được trên 60 công trình, dự án, đa số các công trình, dự án đầu tư đều mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế – xã hội, gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo của tổ quốc.

Hiện nhiều khó khăn của huyện đảo từ ngày thành lập đến nay đã cơ bản được tháo gỡ. Về phương tiện đi lại giữa đảo và đất liền, Tàu Hoa Phượng Đỏ của huyện đã được đưa vào sử dụng từ tháng 7/2020 với sức chở 200 hành khách và 50 tấn hàng hóa, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa hóa giữa đảo và đất liền cho quân, dân huyện đảo.

Về sản xuất, cung ứng nước ngọt, điện sinh hoạt, đảo đã có hồ chứa nước ngọt và giếng khoan, nhà máy lọc nước sạch và hệ thống cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân được xây dựng với công suất 15m3/giờ, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho quân, dân và tàu vươn khơi trên vùng biển… Hệ thống sản xuất, cung ứng điện bằng máy phát diesel kết hợp năng lượng gió, năng lượng mặt trời cung cấp điện ổn định 24 giờ mỗi ngày phục vụ sinh hoạt của quân dân trên đảo, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện trên đảo trong vòng 10 đến 15 năm tới.

Cùng với đó là hệ thống y tế, văn hóa, xã hội. Hiện cả huyện có một trường Tiểu học-Mẫu giáo với hơn 40 cháu học sinh với 2 cấp học là mẫu giáo và tiểu học rất được các ngành, cấp và huyện đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó là các công trình văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng như Lầu Phật, chùa Bạch Long; Đền thờ Đức Thánh Trần, Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ sẽ được khánh thành vào dịp 19/5 tới.

Đối với công tác quốc phòng – an ninh, hiện trên địa bàn huyện có 7 đơn vị vũ trang và lực lượng dân quân, tự vệ; các đơn vị vũ trang thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, canh gác, quan sát, luyện tập các phương án, thường trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp nắm chắc tỉnh hình trên không, trên biển và trên đảo, kịp thời xử lý các tình huống, không để bị động bất ngờ.

Ngoài ra, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng luôn được huyện quan tâm, thông tin tuyên truyền cảnh báo cho tàu thuyền trên khu vực về tình hình bão, gió, thời tiết cực truyền cần gọi các tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn khi có bão.

Để Bạch Long Vĩ ngày càng phát triển hơn nữa, Bí thư Huyện ủy Bùi Trung Tiến cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội VI Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 để “xây dựng đảo Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc”; xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển giàu đẹp, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo Đông Bắc của tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Bạch Long Vĩ, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tiếp tục tập trung vào công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế xã hội; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đảo gắn với xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Bạch Long Vĩ mang đặc sắc địa phương vùng biển đảo…

Xứng đáng là hòn đảo tiền tiêu của cực Bắc Tổ quốc

Đánh giá cao những kết quả huyện đảo Bạch Long Vĩ đã đạt được, Trung tướng Trần Bá Thiều, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Công an, Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội nhấn mạnh: “Biết ý tưởng đưa các thanh niên xung phong ra bám giữ và xây dựng đảo Bạch Long vĩ từ những năm 1985, 1986, hôm nay nghe được những thành quả huyện ủy và các thế hệ thanh niên đã đạt được tôi cảm thấy rất xúc động. Hòn đảo Bạch Long Vĩ xưa kia với muôn vàn khó khăn, chỉ có bộ đội, nayđã sinh sôi và “thay da đổi thịt” từng ngày. Với quyết tâm của hệ thống chính trị, huyện ủy, UBND và bà con nhân dân, tôi mong muốn huyện đảo sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, xứng đáng là hòn đảo tiền tiêu của cực Bắc Tổ quốc”.

Trung tướng Trần Bá Thiều, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Công an, Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và bà con nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Trung tướng Trần Bá Thiều cũng cho biết, Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội ra đời từ 30 năm trước, xuất phát từ nhu cầu tình cảm của bà con đồng hương tại Hà Nội. Hội là tổ chức xã hội tự nguyện và luôn thu hút được đông đảo bà con tham gia. Hiện Hội có 5 tổ chức nòng cốt gồm các hội: văn nghệ sỹ, doanh nhân, thầy thuốc Hoa Phượng đỏ, sinh viên Hải Phòng và đội ngũ sỹ quan cấp tướng. Hội đã có nhiều đóng góp trong việc tham mưu, xây dựng chủ trương, chính sách, góp phần quan trọng trong việc xây dựng quê hương và thành phố Hải Phòng ngày càng phát triển giàu mạnh.

Cũng tại buổi làm việc, GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học trong Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm “hiến kế” cho huyện đảo phát triển trên cơ sở gìn giữ truyền thống văn hóa, xứng đáng là huyện đảo tiền tiêu; gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo của tổ quốc.

GS.TSKH Vũ Minh Giang tặng sách cho Lãnh đạo Huyện ủy Bạch Long Vĩ

Tiếp đó, Đoàn đã đến dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Bạch Long Vĩ và tham quan tại một số các công trình tâm linh quan trọng trên huyện đảo.

Đoàn thực hiện nghi lễ chào cờ chủ quyền biển đảo tại Cột cờ trung tâm quảng trường huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Theo Kim Thoa – Tuấn Anh (Báo Xây Dựng)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here