Trung tướng Trần Bá Thiều, GS.TSKH Vũ Minh Giang tham dự lễ khởi công Dự án đầu tư tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ – di tích chiến trận Bạch Đằng năm 1288

0
1545

Sáng 3/5/2020, tại huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng, UBND Thành phố đã tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên – di tích chiến trận Bạch Đằng năm 1288. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự. Các đại biểu hiền tài đồng hương Hải Phòng: Trung tướng Trần Bá Thiều – Trưởng Ban Liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an, nguyên UV Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng; GS. TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành Lịch sử – Khảo cổ – Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội đã tham dự buổi lễ.

Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công

Tại buổi lễ, lãnh đạo Thành phố cho biết, đã giao huyện Thủy Nguyên triển khai xây dựng Khu bảo tồn di tích bãi cọc Cao Quỳ, có diện tích khoảng 30.700m2 với nhiều hạng mục kiến trúc, trong đó có khu trưng bày và giới thiệu hiện vật khai quật tại chỗ, khu chuyên đề về diễn giải lịch sử. Thành phố cũng chỉ đạo xây dựng tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài gần 3,5km, nối quốc lộ 10 với khu bãi cọc. Tổng kinh phí đầu tư cả hai hạng mục này là trên 427 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn ngân sách Thành phố, dự kiến hoàn thành sau 135 ngày. 

Phát biểu tại buổi lễ, ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại ba chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng, trong đó có chiến thắng hiển hách vào mùa xuân Mậu Tý 1288, quân và dân Đại Việt đã đập tan đạo quân xâm lược hùng mạnh Nguyên Mông. Đây là hình ảnh tiêu biểu nhất của sức mạnh chiến tranh nhân dân, là biểu tượng của khí phách anh hùng, ý chí quật cường, bất khuất và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Thủ tướng cho rằng, quần thể di tích khảo cổ học cánh đồng Cao Quỳ cùng những di tích bãi cọc đời Trần đã phát hiện ở các khu vực lân cận thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương là nguồn tư liệu, sử liệu vật chất vô giá, hiện vật thật độc đáo bổ sung cho phần thiếu khuyết của sử liệu khi nghiên cứu về lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Những phát hiện này mở ra những hướng nghiên cứu mới, tổng thể hơn, toàn diện hơn và bao quát hơn về quy mô không gian và các địa điểm diễn ra trận chiến của quân và dân nhà Trần năm 1288 trên địa bàn Hải Phòng. 

Thủ tướng đánh giá cao các nhà khoa học, các nhà sử học đã có đóng góp quan trọng cho công trình có ý nghĩa lịch sử này. Với tư cách là đại biểu nhân dân Thành phố, Thủ tướng và các đại biểu luôn lắng nghe và đã có ý kiến chỉ đạo đối với Thành phố Hải Phòng nói riêng và công tác nghiên cứu lịch sử của nước ta nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việc bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ khảo cổ cánh đồng Cao Quỳ sẽ góp phần củng cố và nâng cao giá trị di sản văn hoá trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên nói riêng và Hải Phòng nói chung; Hình thành điểm du lịch văn hoá có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Nhiệm vụ này đòi hỏi một kế hoạch lâu dài, cần được triển khai thực hiện cẩn trọng theo từng giai đoạn, hướng tới mục tiêu bảo tồn nguyên trạng di tích, tuyên truyền về giá trị của di tích tới công chúng, xây dựng các công trình phát huy giá trị di tích. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị, tư tưởng truyền thống to lớn cả trước mắt và lâu dài. Tôi cũng nhấn mạnh và đề nghị các đơn vị cần đặc biệt lưu ý, dự án tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ không chỉ là một dự án xây dựng cơ bản đơn thuần mà là công trình văn hoá lịch sử nghệ thuật. Việc xây dựng các công trình là để làm nổi bật di sản. Do vậy, trong toàn bộ quá trình thi công đòi hỏi các đơn vị phải tôn trọng, tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo tồn văn hoá, các nguyên tắc về giá trị, yếu tố gốc và tính nguyên bản của di chỉ”.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng, huyện Thuỷ Nguyên bám sát tiến độ để chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời tin tưởng dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tính mỹ thuật và khoa học, xứng tầm với giá trị của di tích.

—————————————————————————————

Các nhà khảo cổ xác định những cọc được phát hiện ở Cao Quỳ phân bố theo chiều Đông – Tây, đường kính từ 26 – 46 cm, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo, các cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết giám định niên đại cho thấy, các cọc gỗ có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.

Viện Khảo cổ bước đầu nhận định bãi cọc ở Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Mông – Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời buộc quân Mông – Nguyên đi theo đường sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông – Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông – Nguyên với quốc gia Đại Việt.

Trung tướng Trần Bá Thiều đã thay mặt những người con Hải Phòng xa quê tâm huyết chia sẻ về sự kiện phát lộ bãi cọc Cao Quỳ tại Hải Phòng thuộc trận chiến chống quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng: Đây phải chăng là sự phát lộ một thời vận mới cho Hải Phòng; Là hào khí của non sông tụ hội; Là tiên chỉ của các bậc Thánh nhân cổ vũ cho Đảng bộ và quân dân Hải Phòng tiếp tục viết thêm một trang sử Bạch Đằng Giang mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng.

Ghi chép của Thu Quế

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here